Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  
May 2024
MonTueWedThuFriSatSun
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
CalendarCalendar
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Latest topics
» vui cùng 3 con heo hiii
THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI  MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN EmptySat Apr 09, 2011 9:52 am by gianggiangonline

» 15 điều mùn nói zới các boy
THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI  MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN EmptyWed Mar 23, 2011 9:45 am by gianggiangonline

» GIÊSU CỦA CON........!!!
THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI  MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN EmptyThu Mar 10, 2011 4:23 pm by Jesus_savior

» 10 quyền bất khả xâm phạm của học sinh - sinh viên....!!! (phần 1)
THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI  MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN EmptyThu Mar 10, 2011 4:13 pm by Jesus_savior

» Tây Vương nữ quốc(nhạc phim Tây Du Ký)
THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI  MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN EmptySat Mar 05, 2011 6:27 pm by light_faith

» Nhạc ẤN ĐỘ
THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI  MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN EmptySat Mar 05, 2011 6:24 pm by light_faith

» Mu Đế Vương Season 5 Ep 4 FULL
THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI  MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN EmptySun Jan 30, 2011 8:40 pm by su520

» Tình bạn trong sáng..!!
THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI  MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN EmptyThu Jan 20, 2011 6:42 pm by Jesus_savior

» tet nam nay co gi ?
THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI  MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN EmptyWed Jan 19, 2011 1:20 pm by Mr.chUn

» Satan không bao giờ ngủ....!!!
THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI  MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN EmptyMon Jan 17, 2011 10:29 pm by light_faith

Navigation
 Portal
 Diễn Đàn
 Thành viên
 Lý lịch
 Trợ giúp
 Tìm kiếm

 

 THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN

Go down 
Tác giảThông điệp
Mr.chUn
Administrator



Tổng số bài gửi : 13
Join date : 03/09/2010
Age : 34

THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI  MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN Empty
Bài gửiTiêu đề: THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN   THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI  MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN EmptyWed Sep 08, 2010 1:24 am

THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI

MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN





Fr. Eloi LECLERC. OFM

Saint Francois d’ Assise

Collection : Les grands Maitres à prier

Capier sur l’ oraison, 1988

Fr. André TRẦN HỮU PHƯƠNG dịch




Lời giới thiệu

“THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN” là một cuốn sách nhỏ trong số các sách Cha Êloi Leclerc viết về thánh Phanxicô.

Một cuốn sách nhỏ, nhưng lại nói về một chuyện lớn.

Chuyện của một con người say mê tìm kiếm Thiên Chúa, để rồi vào cuối đời, cùng với muôn loài tạo vật ngợi khen, chúc tụng và thờ phượng Thiên Chúa tối cao.

Chuyện của mỗi người chúng ta. “Bạn hãy nói cho tôi biết bạn cầu nguyện thế nào tôi sẽ nói cho bạn hay bạn là ai.” Vì “trước mặt Thiên Chúa, con người như thế nào thì thực chất là thế ấy, chẳng có gì hơn” (Hn 19, 2).

Trong một cuốn sách khác, Cha Êloi Leclerc trích dẫn lời của Lamennais, một triết gia người Pháp thế kỷ 19 : “Tôi viết những cuốn sách nhỏ cho những người nhỏ bé” (Nước Trời ẩn giấu, tr.12). “Những người nhỏ bé” phải chăng chính là chúng ta đang đọc cuốn sách nhỏ này và để cho “điều tốt lành nhất của một cuốn sách là sức mạnh thầm kín của nó đưa ta trở về với bản thân và đi vào cõi sâu thẳm của lòng ta.” Nhờ vậy : “Khi gấp sách lại ta thấy mình kề cận hơn với sự thật ở trong ta – một sự thật không bao giờ có thể nói lên hết được, nhưng ta lại được mời gọi kết hợp với chính sự thật ấy” (E.Leclerc : “Thiên Chúa còn cao cả hơn” (tr. 16).

Chuyển sang tiếng Việt cuốn sách nhỏ này – cũng như bất cứ một cuốn sách nào khác của Cha Êloi Leclerc – là một việc làm táo bạo, vì ngài viết với tất cả kinh nghiệm ngài có được về Con người và về Thiên Chúa, trong trại tập trung Đức Quốc xã cũng như trong toa xe lửa chất đầy tử tù tiến dần tới lò thiêu. Ta không có được một kinh nghiệm nào như vậy.

Tuy vậy tôi cũng mạnh dạn làm công việc này cốt để tỏ lòng biết ơn đối với một người thầy đã dạy môn triết học hiện đại cho các anh em Phan sinh Việt nam tại học viện Mons-en-Baroeul trong những năm 1958-1960. Một người thầy tận tụy và nghiêm khắc. Nhất là nghiêm khắc với chính mình, từ công việc soạn bài đến công việc giảng bài và sửa bài tập – một điều mà với thời gian có khi sau mấy chục năm trời – ta mới nghiệm thấy rằng đây quả là đức tính của một bậc thầy vậy.



Năm Thánh Clara 1993-1994

Fr André TRẦN HỮU PHƯƠNG, OFM


ĐÔI NÉT TIỂU SỬ

Sinh tại Átxidi năm 1181/1182, Phanxicô là con trai đầu của một thương gia giàu có. Cậu rất sớm rời bỏ trường học để cùng thân phụ chuyên lo buôn bán vải lụa. Nhưng người thanh niên giàu trí tưởng tượng và có tâm hồn thi sĩ này lại say mê các thiên anh hùng ca và các “ca sĩ hát dạo” hơn là buôn bán làm ăn. Cậu tổ chức tiệc tùng, vui nhộn với bạn bè và họ phong cậu làm “Vua Giới Trẻ”. Năm 18 tuổi, Phanxicô nghĩ đến đường công danh.

Bị bắt làm tù binh trong cuộc chiến giữa thành Átxidi và thành Pérusia, Phanxicô lâm bệnh nặng. Khi được trả tự do, Ngài ý thức được rằng “mọi sự chỉ là phù vân”. Một hôm cùng với bạn bè dạo chơi trên các đường phố Átxidi, Ngài cảm thấy bị thúc đẩy cầu nguyện. Đức Kitô đã chiếm hữu Ngài. Từ nay giữa Phanxicô và Đức Kitô, có một sự gắn bó cốt tử.

Phanxicô được 25 tuổi. Tâm hồn Ngài tràn ngập niềm vui. Ngài là “Sứ thần của Đức Đại Vương”. Một ngày kia, Ngài cầu nguyện trước ảnh Đức Kitô chịu đóng đinh. Đức Kitô gọi Ngài : “Phanxicô, hãy đi tu bổ nhà của Ta đang sụp đổ” Sứ mạng đã được giao phó. Nhưng nhà của Thiên Chúa mà Ngài phải tu bổ chính là Hội Thánh. Mãi sau này, Phanxicô mới hiểu được điều này. Trong lúc chờ đợi, Ngài đi xin từng viên gạch, hòn đá để tu bổ nhà nguyện nhỏ bé này.

Hai năm sau, Đức Kitô lại hiện ra với Phanxicô. Trong lúc tham dự Thánh lễ, Ngài nghe đọc bài Tin Mừng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ và rao giảng Nước Thiên Chúa đã đến gần … Anh em đừng mang theo vàng bạc …” Ơn gọi của Ngài ! Cuối cùng Ngài đã tìm được ! Như các môn đệ được Đức Giêsu sai đi thế nào, Phanxicô cũng được sai đến với mọi người như vậy : sống đời cầu nguyện, huynh đệ và nghèo khó vui tươi.

Lối sống của Phanxicô ngày càng tỏa rạng và lôi kéo nhiều người trẻ đến với Ngài. Và 11 năm sau, Dòng đã có hơn 5.000 anh em. Theo Tin Mừng, sống Tin Mừng và chỉ Tin Mừng mà thôi, Phanxicô đã dùng các khí giới là đức ái và nghèo khó mà đổi mới từ bên trong Hội Thánh đang bị tiền bạc và xa hoa, phù phiếm đe doạ.

Trong một cuộc du hành sang miền Cận Đông, Phanxicô bị đau mắt nặng, gần như bị mù. Tranh chấp và chia rẽ trong Dòng cũng làm Ngài phải đau khổ và ưu phiền. Ngài từ chức Tổng phục vụ Dòng năm 1220.

Tâm hồn bình an, Phanxicô lên núi Alverna. Trong nơi cô tịch, Ngài cầu nguyện ngày đêm. Được tình yêu Đức Kitô nung đốt, Ngài chịu Năm Dấu Thánh. Ngày 03 tháng 10 năm 1226, thân xác kiệt quệ vì bệnh tật và thử thách, nhưng tâm hồn tràn ngập niềm vui, Phanxicô rộng mở lòng mình đón chào Chị Chết.





“AO ƯỚC ĐƯỢC THẦN KHÍ CHÚA HIỆN DIỆN
VÀ TÁC ĐỘNG NƠI MÌNH …”
(L. 10, Cool

Thánh Phanxicô đã không viết bất cứ một khảo luận nào về cầu nguyện. Ngài cũng không mấy quan tâm dạy anh em một phương pháp cầu nguyện. Nhưng không vì thế mà Ngài không là một người hướng dẫn đáng tin cậy về cầu nguyện, đồng thời là một mẫu gương sống động trong sự kết hợp với Thiên Chúa.

Điều cốt yếu của lời giảng dạy cũng như kinh nghiệm cầu nguyện của Ngài được tóm tắt trong câu sau đây : “Anh em hãy chăm lo điều này là trên hết mọi sự, ao ước được Thần Khí Chúa hiện diện và tác động nơi mình” (L. 10,Cool.

Đối với Thánh Phanxicô, cầu nguyện chính là ao ước và không ngừng tìm kiếm Thần Khí Chúa và tác động Thánh của Người trong Ta. Tự ta, ta không xứng đáng gọi Danh Thiên Chúa. Ta không biết cầu nguyện thế nào cho đúng. Đối với người Kitô hữu, cầu nguyện phải chăng là cùng với Đức Giêsu liên kết với Cha của Người ? là học nói : “Abba – Cha ơi” ? Điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ Thần Khí. Thần Khí Chúa là thầy dạy cầu nguyện. Vì thế, ta phải “ao ước được Thần Khí Chúa hiện diện và tác động nơi mình”.

Biện phân

Thánh Phanxicô hoàn toàn ý thức rằng không phải tự nhiên mà ta để Thần Khí Chúa tác động nơi ta, dẫu đời sống ta có vẻ đạo đức, siêu nhiên đến đâu chăng nữa. Không phải chỉ làm các việc đạo đức mà ta có Thần Khí Chúa. Thánh Phanxicô nghĩ rằng người ta có thể rất nhiệt tình hăng say cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, hoạt động truyền giáo, học hỏi Lời Chúa nhưng lại không để cho mình được hướng dẫn bởi Thần Khí Chúa :

“Có lắm người chuyên cần đọc kinh, cầu nguyện và ăn chay, phạt xác nhưng khi ai nói lời gì có vẻ xúc phạm đến họ, hay lấy mất vật gì của họ thì họ liền nổi giận và mất hết bình tĩnh”. ( Hn 14, 2-3)

Vì thế trong các huấn ngôn, Thánh Phanxicô cố gắng đặt anh em của Ngài trước sự thật, giúp họ nhìn vào chính mình và phân biệt Thần Khí Chúa với thần khí xác thịt. Tiêu chuẩn biện phân Ngài dạy anh em cũng rất đơn sơ và không thể sai lầm. Nếu một tu sĩ đột nhiên nổi giận và mất hết bình tĩnh vì các ý định của mình bị cản trở – cho dầu các ý định này tốt lành đến đâu chăng nữa – thì tu sĩ ấy chứng tỏ mình đang âm thầm chiếm hữu mình, đang co rúm lại và tìm kiếm chính mình. Con người ấy muốn giữ lại cho mình quyền làm chủ đời sống mình. Dưới cái bề ngoài đạo đức siêu nhiên, con người ấy đang để mình được hướng dẫn bởi một thần khí khác thay vì Thần Khí Chúa. Nước đục là nước không còn trong sạch. Cũng vậy, “nổi giận và mất hết bình tĩnh” chứng tỏ tâm hồn người tu sĩ đó không còn trong sạch nữa. Khó chịu, nao núng, giận dữ, mất kiên nhẫn, gây sự biểu lộ thái độ chiếm hữu ngay cả trong ước nguyện tốt lành nhất của lòng người.

Lời cầu nguyện của con người có tâm hồn trong sạch

Trong Thiên sử thi “Đi tìm Chén Thánh” (Quéte du Saint Grasl) khi kết thúc cuộc mạo hiểm, người hiệp sĩ có tâm hồn trong sạch được Thần Khí Chúa soi sáng và được diễm phúc chiêm ngắm Thiên Chúa. Thánh Phanxicô đã được nuôi dưỡng bởi loại văn chương này đến nỗi Ngài không ngần ngại gọi các anh em tiên khởi là “Các Hiệp sĩ Bàn tròn” (Les Chevaliers de la Table ronde). Đối với Ngài cuộc tìm kiếm Thần Khí Chúa cũng là một cuộc mạo hiểm đòi hỏi ta tiên vàn phải có tâm hồn trong sạch. Vì thế, ngay sau khi khuyên anh em phải “ao ước được Thần Khí Chúa hiện diện và tác động nơi mình” Thánh Phanxicô kêu gọi họ phải “cầu nguyện cùng Chúa luôn luôn với tâm hồn trong sạch.” (L. 10, 9).

Con người có tâm hồn trong sạch là con người ý thức được sự nghèo hèn của mình, khiêm nhường hướng về Thiên Chúa, nhìn nhận rằng chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh và tìm được nơi Thiên Chúa niềm vui đến nỗi không còn muốn quay về với mình nữa. Con người có tâm hồn trong sạch là con người hoàn toàn hướng về Thiên Chúa, là con người bị chiếm đoạt bởi niềm vui được ngợi khen Thiên Chúa. Con người có tâm hồn thanh sạch đích thực là con người có tâm hồn nghèo khó. Có một tương quan chặt chẽ giữa “lòng thanh trí sạch” và thờ phượng :

“Người thật sự có tâm hồn trong sạch không ngừng thờ phượng, nhìn ngắm Chúa là Thiên Chúa hằng sống và chân thật với lòng thanh trí sạch.” (Hn. 16, 2).

Người có tâm hồn trong sạch không để mình bị phân cách khỏi hành động biểu lộ lòng trong sạch tức là sự thờ phượng.

Nói đúng ra, chính trong sự thờ phượng mà lòng trí con người trở thành trong sạch vì đây chính là lúc con người trút bỏ chính mình và sự ưu tư của mình – ngay cả ưu tư tìm kiếm sự hoàn thiện của mình. Nhờ vậy, con người mở rộng lòng trí đón nhận Thần Khí Chúa. Đối với Thánh Phanxicô, sự trong sạch không chỉ là một đức tính luân lý chung nhưng chủ yếu là sự đón nhận và sự thờ phượng. Đối với người có tâm hồn trong sạch thì có Thiên Chúa, có vinh quang, thánh thiện và niềm vui vĩnh cửu của Thiên Chúa là đủ rồi. Đây chính là điều Thần Khí Chúa chuẩn bị trong lòng con người. Vì thế, trong các di cảo, Thánh Phanxicô muốn Anh em của Ngài hướng trọn về Thiên Chúa và thờ phượng Thiên Chúa với lòng thanh trí sạch :

“Chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa và thờ phượng Người với lòng thanh trí sạch, vì Người tìm kiếm điều ấy trên hết mọi sự. Người đã nói : “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí sự thật” (T Th, 19, 20).

Một chi tiết có ý nghĩa : Thánh Phanxicô viết : “Trong Thần Khí sự thật” thay vì lấy lại các từ mà Thánh Gioan đã dùng “trong thần khí và sự thật”. (Ga 4, 24). Ngài muốn gợi cho ta thấy rằng chỉ Thần Khí biết Thiên Chúa trong sự thật của Thiên Chúa và cũng chỉ Thần Khí cho phép ta thờ phượng Thiên Chúa với lòng thanh trí sạch :

“Nhân danh Thiên Chúa là Tình yêu, tôi xin tất cả anh em, các Anh phục vụ cũng như mọi anh em khác, hãy loại bỏ mọi ngăn trở và gạt qua một bên mọi nỗi lo lắng và bận rộn để ra sức phụng sự, yêu mến, tôn vinh và thờ phượng Thiên Chúa với lòng thanh trí sạch. Đó là điều Chúa mong muốn hơn cả. Chúng ta phải luôn lấy lòng mình làm đền thờ và ngôi nhà Chúa ngự” (L Ksd 22, 26-27).

Trong nơi thanh vắng …

Thánh Phanxicô không chỉ bằng lòng với việc kêu gọi anh em của Ngài thờ phượng Thiên Chúa mà còn nêu gương cho họ noi theo. Ngài thường ngưng các hoạt động tông đồ và rút lui vào nơi thanh vắng để chỉ lo nghĩ về Thiên Chúa.

Thánh Bonaventura viết : “Khi nguyện ngắm, Thánh Phanxicô đã cảm nghiệm được điều sau đây : con người ao ước được Thần Khí Chúa càng xa lánh mọi sự thế gian thì càng được Chúa ban cho Thần Khí của Người. Vì thế, thánh nhân luôn tìm kiếm sự thanh vắng và thường lui tới những nơi hoang vu và những nhà nguyện hoang phế để cầu nguyện” (Đại truyện : 10, 3).

Hành trình thiêng liêng của Thánh Phanxicô gắn liền với các địa danh hẻo lánh, hoang vu. Tại những nơi này, Ngài đã lập các ẩn viên : Carceri, San Urbano, Poggio Bustone, Fonte Colombo, Greccio, Alverna …

Các đỉnh núi cao đặc biệt hấp dẫn Thánh Phanxicô. Ngài lên đường cùng với hai hoặc ba anh em. Đến núi, Ngài không mất thời giờ chiêm ngắm cảnh quan hùng vĩ nhưng đi tìm một hang đá. “Hang đá là tổ ấm Ngài ưa thích nhất.”(1 Cel. 71). Và tại đây Ngài cầu nguyện. “Không phải là một lời cầu nguyện vội vàng, nông cạn nhưng là một lời cầu nguyện lâu dài, phát xuất tự đáy lòng, đáy lòng khiêm hạ, bình tâm. Nếu Ngài bắt đầu cầu nguyện chiều hôm nay, thì Ngài kéo dài đến sáng hôm sau” (1 Cel. 91). “Không còn là một con người cầu nguyện nhưng là hiện thân của sự cầu nguyện” (2 Cel. 95). Thánh Phanxicô lưu lại các ẩn viên nhiều tuần, có khi nhiều tháng, tâm hồn hoàn toàn hướng về Thiên Chúa và trao nộp cho Thần Khí Chúa.

Trên các nẻo đường rao giảng Tin Mừng …

Tuy vậy, các đỉnh núi cao không giữ Thánh Phanxicô lại vô thời hạn. Thần Khí Chúa đưa Ngài trở lại với con người trên các nẻo đường rao giảng Tin Mừng. Thật vậy, đối với Thánh Phanxicô, sống kết hợp với Thiên Chúa không thể tách rời khỏi hoạt động tông đồ, theo sau Đức Kitô. Thần Khí Chúa dẫn Ngài bước theo vết chân Con Một Thiên Chúa.

Trong tư tưởng của Thánh Phanxicô, có một tương quan chặt chẽ, bất khả phân giữa hoạt động tông đồ khiêm tốn nhất và đời sống kết hợp với Thiên Chúa ở mức độ cao nhất. Điều này được diễn tả rõ nét trong lời cầu nguyện kết thúc bức thư Ngài gửi toàn thể anh em trong Dòng :

“Lạy Thiên Chúa toàn năng, vĩnh cửu, công chính và từ bi,

vì vinh quang của Chúa,

xin ban cho chúng con là những kẻ khốn nạn

thực hiện được những điều chúng con biết là Chúa muốn,

và luôn muốn những điều đẹp lòng Chúa,

để nhờ ngọn lửa Thánh Linh thanh luyện

soi sáng và nung nấu tận tâm can,

chúng con có thể bước theo vết chân Con Yêu dấu Chúa

là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con,

và chỉ nhờ ơn Chúa trợ giúp

chúng con đến được với Chúa,

là Thiên Chúa Tối cao, Ba ngôi trọn hảo,

trong mối hiệp nhất tuyệt đối,

là Thiên Chúa toàn năng,

Đấng hằng sống, hằng trị,

và hằng được tôn vinh đến muôn thuở, muôn đời. Amen.”

Lời cầu nguyện ngắn gọn này tổng hợp toàn bộ lý thuyết của Thánh Phanxicô về đời sống thiêng liêng : được Thần Khí tác động, thanh luyện, soi sáng, nung nấu, con người dấn thân bước theo vết chân Con Yêu dấu Chúa là Đức Giêsu Kitô để được kết hợp với Chúa Cha. Theo Thánh Phanxicô, đời sống cầu nguyện chính là hành trình của con người được Thần Khí tác động và nhờ vậy đồng hành với Đức Kitô và kết hợp với Đức Kitô để được kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đời sống hoán cải theo Tin Mừng và kinh nghiệm thần bí hoà lẫn vào nhau, dưới tác động của Thần Khí Chúa. Nói về những người sống theo tinh thần Tám Mối phúc thật – những người khiêm hạ, nhẫn nhục, phục vụ anh em, Thánh Phanxicô viết : “Những anh chị em nào thực hành như thế và kiên trì đến cùng thì Thiên Chúa sẽ ngự xuống trên họ và biến họ thành ngôi nhà và chốn cư ngụ của Người. Họ sẽ là con cái của Cha trên trời.” (T.Th. 48-49).

Bằng cách thúc đẩy ta bước theo vết chân Đức Giêsu và nhận biết Đức Giêsu từ bên trong, Thần Khí dẫn ta đến sự nhận biết Chúa Cha.

CÁC NGUỒN NUÔI DƯỠNG SỰ CẦU NGUYỆN

Trước khi cùng Thánh Phanxicô đi sâu vào việc chiêm ngắm Thiên Chúa, thiết tưởng ta cũng nên nói đến các nguồn nuôi dưỡng lời cầu nguyện của Ngài.

Lời Chúa

Ta biết rằng Thánh Phanxicô chuyên chăm nghe Lời Chúa. Lời cầu nguyện của Ngài được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa. Không chỉ một vài đoạn Tin Mừng nhưng toàn bộ Kinh Thánh đã là nguồn cảm hứng cho lời cầu nguyện của con người lìa cõi thế trong khi cất tiếng hát Thánh Vịnh.

Các Thánh Vịnh và thánh ca trong Kinh Thánh đã nắn đúc và hình thành lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô. Ngài nhập sâu vào dòng kinh nguyện trong Kinh Thánh đến nỗi Ngài đã tìm lại và hiện tại hóa một mẫu người Kinh Thánh là “Người nghèo của Thiên Chúa” : con người giãi bày nỗi khổ trước mặt Thiên Chúa hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa; con người thờ phượng Thiên Chúa và chìm đắm trong sự ngợi khen Thiên Chúa.

Phụng vụ

Cùng với Lời Chúa, Phụng vụ là nguồn cảm hứng cho lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô. Thật ra, hai nguồn cảm hứng này hòa lẫn với nhau vì chính qua Phụng vụ mà Lời Chúa đến với Thánh Phanxicô. Ở đây, Lời không còn là đối tượng suy niệm, nhưng là Lời được công diễn, Lời được cử hành. Lời đã trở thành hành động.

Bí tích Thánh Thể có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống cầu nguyện của Thánh Phanxicô. Ta sẽ có dịp đề cập đến vấn đề này. Theo chu kỳ các ngày lễ lớn trong năm phụng vụ, mầu nhiệm Đức Kitô được cử hành dưới hình thức bí tích. Thánh Phanxicô đã mừng và sống các ngày lễ này một cách sốt sắng đến nỗi lời cầu nguyện của Ngài có cùng một cấu trúc như các lời nguyện phụng vụ và các lời tiền tụng.

Qui hướng về Thiên Chúa

Chuyên chăm nghe Lời Chúa – đặc biệt trong Phụng vụ – làm cho lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô luôn qui hướng về Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của Ngài tiên vàn là lời cầu nguyện của con người đã để cho Thiên Chúa và sự cao cả của Người chiếm hữu mình. Một lời cầu nguyện như vậy hoàn toàn khác biệt với lời cầu nguyện chủ quan, qui hướng về con người.

GẶP GỠ THIÊN CHÚA

“Xin cho chúng con được hiểu biết Cha” (KLC 3)

Trong Huấn ngôn 1, trích dẫn Kinh Thánh, Thánh Phanxicô nói : “Chúa Cha ngự trong ánh sáng siêu phàm và Thiên Chúa là Thánh Khí, và không ai thấy Thiên Chúa bao giờ.” (Hn 1, 5). Trong các di cảo, nếu có một tư tưởng nào có tầm quan trọng đặc biệt đối với Thánh Phanxicô thì đó chính là sự cao cả của Thiên Chúa. Ở tận nguồn cội của lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô, có một ý thức rõ rệt về vực thẳm ngăn cách Ngài với Thiên Chúa : “Vì tất cả chúng con đều khốn nạn và tội lỗi, không đáng kêu cầu Danh Cha” (L Ksd 23, 5).

Thiên Chúa ở ngoài tầm tay của ta. Thiên Chúa không thể so sánh với ta : “Thiên Chúa là Đấng vô thủy, vô chung, thường hằng bất biến, người ta không thể thấy được, không thể nói ra được, không thể diễn tả được, không thể hiểu được, không thể truy tầm được…”(L Ksd 23, 5)

Ý thức được Thiên Chúa là Đấng siêu việt, Thánh Phanxicô không tỏ ra buồn phiền. Ngài từ chối chiếm hữu Thiên Chúa, giam hãm Thiên Chúa trong các giới hạn hẹp hòi cũng như các lợi ích riêng tư của mình. Ngài để Thiên Chúa là Thiên Chúa :

Người là Thiên Chúa thánh thiện

Duy mình Người làm nên những kỳ công

Người mạnh mẽ

Người vĩ đại

Người cao cả … (Klêô 2).

Nhưng Đấng “không ai đáng kêu cầu Thánh Danh” lại mặc khải chính mình và đến với con người trong bản tính nhân loại của Con Một.

Khuôn mặt của Thiên Chúa

Đức Giêsu là khuôn mặt loài người của Thiên Chúa. Khuôn mặt của Thiên Chúa tối cao vinh hiển : “Ai xem thấy Thầy là xem thấy Cha của Thầy” ( Hn 1, 4).

Tuy vậy, trong huấn ngôn 1 Thánh Phanxicô lưu ý rằng nhiều người đã thấy khuôn mặt này nhưng lại không nhận ra Con Một tối cao của Thiên Chúa. Họ thấy mà không tin. Họ không nhận biết sự Khôn ngoan của Chúa Cha.

Hẳn là nơi người thợ mộc khiêm tốn thành Nazarét, nơi Người chịu đóng đinh trên đồi Golgotha, không một cái nhìn hoàn toàn nhân loại nào lại có thể nhận ra Đức Chúa vinh quang, sự khôn ngoan vĩnh cửu của Chúa Cha. Và Thánh Phanxicô trích dẫn lời Thánh Phaolô : “Nếu không được Chúa Thánh Thần giúp sức cho, không ai có thể nói rằng Đức Giêsu là Chúa” ( Hn 8,1).

Chỉ một mình Thần Khí Chúa cho phép ta nhận biết Con Một tối cao của Thiên Chúa trong bản tính khiêm hạ và nghèo khó của Đức Giêsu. Chỉ một mình Thần Khí Chúa cho phép ta khám phá ra con đường của sự Khôn ngoan vĩnh cửu trong sự đơn sơ tinh tuyền của Tin Mừng :

“Kính chào Nữ hoàng Khôn ngoan, xin Chúa phù hộ Bà, cùng với Em Bà, Thánh nữ đơn sơ tinh tuyền.” (K Nđ 1)

Sự Khôn ngoan này chính là sự nhận biết Đức Giêsu Kitô trong Thần Khí. Một sự hiểu biết cốt tử, ngọt ngào. Một cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Thiên Chúa trong Con Một nhập thể.

Vẻ huy hoàng của Tình yêu Thiên Chúa

Được Thần Khí Chúa soi sáng, Thánh Phanxicô chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa trong Đức Kitô nghèo khó và khiêm hạ.Dẫu Con Một Thiên Chúa đã hạ mình đến mức độ thấp nhất, Ngài vẫn nhận ra nơi Đức Kitô ngôi sao rạng ngời của một Tình yêu không còn giữ lại điều gì cho mình : Con Một Thiên Chúa – sự Khôn ngoan tuyệt đỉnh – đã từ bỏ cung lòng Chúa Cha … Người đã không giữ lại điều gì cho mình; Người đã ban tặng tất cả” ( Thánh Bonaventura, Đại Truyện : 12, 1)

Sự từ bỏ của Con Một Thiên Chúa đánh động Thánh Phanxicô và làm Ngài hết lòng thán phục :

“Ngôi Lời chí tôn, chí thánh, chí vinh … đã nhận lấy xác phàm đích thực của loài người yếu hèn chúng ta. Vốn giàu sang phú quí, Người vẫn muốn chọn nếp sống nghèo khó ở trần gian này cùng với Đức Trinh nữ chí Thánh, thân mẫu của Người” (T Th 4-5).

Đối với Thánh Phanxicô, lựa chọn sự nghèo khó chính là cách thức Thiên Chúa mặc khải và biểu lộ tình yêu – một tình yêu ban tặng tất cả một cách hoàn toàn nhưng không.

Mặc khải của Thiên Chúa được ban nhưng không. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa không thuộc quyền sở hữu của ta. Thiên Chúa là niềm hy vọng của ta. Niềm hy vọng của những người nghèo khó :

“Chính Thiên Chúa đã dựng nên, cứu chuộc và sẽ cứu độ chúng ta, chỉ vì Người là Đấng từ bi nhân hậu. Chúng ta là những kẻ bần cùng và khốn nạn, thối tha và hư hỏng, vô ơn và xấu xa, thế mà Người đã và vẫn còn ban cho chúng ta mọi điều tốt lành” (LKsd 23, Cool.

Vì thế, Thánh Phanxicô không thể để mắt nhìn một cái gì khác ngoài hang đá và thập giá; Ngài nhận ra nơi đây sự mặc khải rõ ràng của một tình yêu nhưng không và không có giới hạn. “Hai đề tài thu hút Ngài đến nỗi Ngài không thể nghĩ đến một đề tài nào khác : đó là sự khiêm nhường được biểu lộ bởi mầu nhiệm Nhập Thể và tình yêu được biểu lộ bởi cuộc Thương Khó.” (1 Cel 84).

Một mầu nhiệm luôn luôn hiện tại

Thánh Phanxicô không chiêm ngắm việc Con Một Thiên Chúa tự hạ và xuống thế làm người như một biến cố xảy ra trong quá khứ, nhưng như một mầu nhiệm đến với ta mỗi ngày.

Bí tích Mình và Máu thánh Đức Kitô có một chỗ đúng quan trọng trong đời sống của Thánh Phanxicô vì trong bí tích này, Ngài nghiệm thấy rằng việc Con Thiên Chúa ngự đến trong thiên hạ và nghèo khó được thể hiện ngay ngày hôm nay. Và đây chính là sự mặc khải của một Tình yêu không có giới hạn :

“Này đây, hằng ngày Người hạ mình xuống như xưa Người rời ngai vàng mà đến trong lòng đức Trinh nữ. Hằng ngày Người đến với chúng ta một cách khiêm nhường. Hằng ngày Người rời cung lòng Chúa Cha để ngự xuống trên bàn thờ trong tay linh mục. Xưa kia Người tỏ mình ra cho các thánh Tông Đồ trong một thân xác đích thực như thế nào, thì ngày nay, Người cũng tỏ mình ra cho chúng ta trong Bánh Thánh như vậy. Và như xưa con mắt xác thịt của các thánh Tông Đồ chỉ trông thấy thân xác của Người nhưng các ngài tin rằng Người là Thiên Chúa vì các ngài chiêm ngắm Người với con mắt được Thánh Khí soi dẫn. Ngày nay cũng thế, khi con mắt xác thịt của chúng ta trông thấy bánh và rượu, chúng ta hãy biết nhìn ra và tin vững đó là Mình và Máu cực thánh hằng sống và chân thật của Người. Đó là phương thế Chúa dùng để ở mãi với các tín hữu như chính Người đã nói : “Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Hn 1, 16-22).

Đối với Thánh Phanxicô, cùng với hang đá và thập giá, bí tích Thánh Thể là đỉnh cao của sự mặc khải Tình Yêu Thiên Chúa. Nói đúng ra, bí tích Thánh Thể hiện tại hóa mầu nhiệm Hang đá và Thập giá :

“Ôi thật là điều cao cả kỳ diệu, một sự hạ mình đáng kinh ngạc! Ôi lòng khiêm hạ thẳm sâu, một điều trọng đại mà thật giản đơn : Chúa tể càn khôn. Con Thiên Chúa, Đấng đồng hành với Thiên Chúa, hạ mình xuống để ẩn náu dưới hình bánh nhỏ mọn để cứu độ chúng ta. Hỡi anh em, hãy nhìn ngắm gương khiêm nhường của Thiên Chúa” (T td 27-28).

Hẳn là, trong bí tích Thánh Thể, Đức Kitô “không còn chết nữa, nhưng hằng sống trong vinh quang vĩnh cửu, là Đấng mà các thiên thần hằng ước ao chiêm ngưỡng” (T Td 22). Nhưng vinh quang của Đức Kitô chính là vẻ huy hoàng của Tình yêu. Và Tình Yêu lại luôn là một mầu nhiệm khiêm hạ và nghèo khó.

Điều sâu thẳm nơi Thiên Chúa : một mầu nhiệm nghèo khó

Thánh Phaolô viết : “Thần khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa”. Thánh Phanxicô đã kinh nghiệm điều này. Ta không thể hiểu được hình thức thờ phượng ngài dành cho Bà Chúa Nghèo, nếu ta không nhận thấy rằng, nhờ Thần Khí soi sáng, Ngài đã nhận ra trong Bà Chúa Nghèo một cái gì đó thuộc điều sâu thẳm nơi Thiên Chúa.

“Ta không thể hiểu tại sao Thánh Phanxicô đã say mê Đức Nghèo Khó mà Ngài xem như vị hôn thê và dành cho tước hiệu “Bà Chúa” theo cách gọi dùng trong các tiểu thuyết hiệp sĩ từng làm rạng rỡ tuổi thơ của Ngài. Ta cũng không thể hiểu được tại sao Thánh Phanxicô đã dành cho Đức Nghèo Khó chỗ đứng duy nhất được dành cho Thiên Chúa nếu đối với Ngài, Đức Nghèo Khó đã không phải chính là Thiên Chúa vậy” (Mauruce Zudel : L’humble présence, p.132).

Điều này cần được giải thích. Chính trong sự nghèo khó của Đức Giêsu mà Thánh Phanxicô chiêm ngắm sự từ bỏ của Con Một tối cao Thiên Chúa. Sự nghèo khó làm sáng tỏ đời sống thần linh. Có thể xem sự nghèo khó như một luồng ánh sáng chiếu giải vào điều sâu thẳm nơi Thiên Chúa và cho ta thấy rằng đời sống thần linh chính là sự từ bỏ và hiến dâng trọn vẹn. Sự từ bỏ và hiến dâng này ở ngay trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thiên Chúa và Cha của Đức Giêsu không phải là một Thiên Chúa đơn độc, qui hướng về mình, thu gom tất cả về mình, như một vua Pharaô thời Thượng cổ. Từ muôn thưở, Thiên Chúa là sự sống – một sự sống trao ban và ban tặng. Tự bản chất. Bản thể thần linh là một bản thể trao ban. Trao ban đến nỗi mỗi Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa thay vì qui hướng về mình và giữ lại cho mình sự viên mãn thần linh, thì chỉ hiện hữu trong sự hiến dâng sự viên mãn độc nhất này cho các Ngôi khác. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm từ bỏ, mầu nhiệm nghèo khó. Một mầu nhiệm loại trừ chiếm hữu, loại trừ qui hướng về mình.

Đỉnh cao mà Thánh Phanxicô đã đạt tới trong chiêm niệm có lẽ là cái nhìn đầy thán phục đối với Ba Ngôi Thiên Chúa :

“Người là Ba Ngôi và là Một Thiên Chúa,

Thần trên mọi chư thần.

Người là sự Thiện, bao gồm mọi sự thiện,

siêu vượt mọi sự thiện,

Là Thiên Chúa hằng sống và chân thật.

Người là Tình Yêu, là Bác ái” (K. Lêô, 3).

Một trực giác phong phú

Trong ánh sáng của Thần khí, Thánh Phanxicô đã nhìn thấy mối tương quan cốt yếu giữa tình yêu và nghèo khó. Đây quả là một trực giác phong phú. Vì, đối với Ngài, trực giác này là trọng tâm của đời sống chiêm niệm, ta phải dừng lại đây để tìm hiểu thêm.

Triết gia Platon cho rằng tình yêu là con đẻ của sự nghèo khó. Thánh Phanxicô đã có thể xem nhận định này như là của chính mình, nhưng với một ý nghĩa hoàn toàn khác sâu hơn. Đối với triết gia Hy-lạp, tình yêu phát sinh từ một sự thiếu hụt : Tình yêu chủ yếu là ước muốn. Đối với thánh Phanxicô, tình yêu phát sinh từ một sự từ bỏ mình : tình yêu chủ yếu là hiến dâng. Một sự viên mãn hiến dâng chính mình. Người yêu thì không giữ lại điều gì cho mình, không chiếm hữu mình, chứ đừng nói ước muốn chiếm hữu người khác.

Không muốn chiếm hữu – ngay cả trong tình yêu : đó là bí quyết của tình yêu trong chân lý thần linh. Tất cả những điều đó đã được Thánh Phanxicô diễn tả trong một câu ngắn gọn khi Ngài viết cho anh em : “Anh em đừng giữ lại cho mình bất cứ điều gì để Chúa là Đấng đã hiến trọn mình cho anh em, cũng sẽ nhận lấy toàn thân anh em.” (T td. 29).

Như vậy, sự nghèo khó mà ta sống ngày này qua ngày khác, trong tương quan giữa người với người, được cảm hứng bởi đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi và cho phép ta được hiệp thông với đời sống này : Nghèo khó là nền tảng của huynh đệ.

Ca sĩ hát dạo của Thiên Chúa

Một cái nhìn như vậy về Thiên Chúa chỉ có thể làm Thánh Phanxicô thán phục. Người khác có thể dùng các ý niệm để diễn tả cái nhìn này. Còn Thánh Phanxicô là một thi sĩ. Ngài diễn tả kinh nghiệm của mình bằng cách ca hát. Lúc thiếu thời, Ngài đã say mê các bài thơ và các bài ca mà các ca sĩ hát dạo dùng để ca ngợi tình yêu hiệp sĩ. Chính Ngài cũng đã ca ngợi tình yêu phong nhã này. Bây giờ, Ngài ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa. Đời sống cầu nguyện của Thánh Phanxicô là một bài ca :

“Người là tình yêu, là bác ái ;

Người là căn nguyên của sự khôn ngoan,

Người là hiện thân của Đức khiêm nhường và lòng nhẫn nại,

Người là niềm vui,

Người khơi niềm hy vọng và hân hoan…

Người tuyệt diệu,

Người nhân từ…

Người là suối nước mát mẻ” (F Kêô 4-5).



BÓNG TỐI VÀ ÁNH SÁNG

Tuy vậy ta đừng tưởng rằng đời sống Thánh Phanxicô chỉ là một bài ca. Đau khổ thể xác và tinh thần đã không dung thứ Ngài.

Nghèo khó khi cuộc đời sắp chấm dứt

Trong cuộc du hành sang Ai-cập, Thánh Phanxicô bị đau mắt nặng, hầu như gần mù. Bất đồng đã xảy ra trong Dòng về đường hướng phải theo. Và vì thế Ngài phải từ chức Tổng Phục vụ dòng. Thân xác đau yếu, tinh thần bị dằn vặt, Thánh Phanxicô rút lui vào nơi thanh vắng cùng với một vài anh em thân tín.

Khốn quẫn tuyệt vọng, Thánh Phanxicô không còn biết Thiên Chúa chờ đợi điều gì nơi Ngài. Lời cầu nguyện của Ngài trở thành tiếng kêu la của người nghèo trong đêm tối. Biết bao lần Ngài mượn lời tác giả Thánh vịnh 141 mà kêu lên Thiên Chúa :

“Tôi lớn tiếng kêu gào lên Chúa

Tôi lớn tiếng cầu khấn Chúa thương

Lời than vãn, xin giãi bày lên Chúa

Nỗi ngặt nghèo kể lể trước Thiên nhan

Chẳng một ai thèm nhận biết con” (Tv, 141).

Chịu thương khó với Đức Kitô

Thánh Phanxicô đã sáng tác cho mình một thần tụng gồm một số thánh vịnh mà Ngài đọc mỗi ngày cùng với thần tụng của Hội Thánh. Người ta gọi thần tụng này là “Bộ Kinh Thương Khó”. Thật ra tên gọi này chỉ thích hợp với phần dùng trong Tam Nhật Vượt Qua. Mặc dầu gồm các câu trích từ các Thánh vịnh thuộc thể loại “thán ca” Bộ Kinh Thương Khó là một bản văn xác thực nói lên tâm tình cầu nguyện của Thánh Phanxicô.

Tâm hồn tràn ngập đau khổ và âu lo, Thánh Phanxicô xem lời cầu nguyện của “Những người nghèo của Thiên Chúa” như là lời cầu nguyện của chính mình. Nhưng đối với Ngài người nghèo đích thực chính là Đức Kitô. Lời cầu nguyện và tiếng kêu la của Con Một bị bách hại và hạ nhục :

“Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa

Xin Người thương xót con,

Này con đến ẩn náu bên Người;

Dưới bóng Người, này con ẩn náu

Tới khi nào hết tai họa khổ đau

Tôi kêu cầu Chúa Tối cao

Chúa ban ơn phúc dồi dào cho tôi” ( Tv 56, 1-3).

Bộ Kinh Thương Khó cho ta thấy cách thức Thánh Phanxicô sống cuộc Thương Khó của Đức Kitô cũng như cuộc thương khó của Ngài, trong sự kết hợp với Đức Kitô. Nỗi kinh hoàng được bày tỏ trong các thánh vịnh là bằng chứng đêm tối thiêng liêng Ngài trải qua, đồng thời là bằng chứng sự kết hợp của Ngài với Thiên Chúa. Hơn nơi nào khác trong các di cảo, Thánh Phanxicô cho ta thấy tâm hồn Ngài hoàn toàn hướng về Đức Kitô, kết hợp với Đức Kitô và qua Đức Kitô với Chúa Cha.

Điểm nổi bật thứ nhất trong Bộ Kinh Thương Khó : Thánh Phanxicô nhấn mạnh đến sự bỏ rơi và sự phản bội của các bạn hữu. Ngài đề cao khía cạnh này trong cuộc Thương Khó hơn là các cực hình Đức Giêsu phải chịu về phần xác. Có lẽ chính Thánh Phanxicô cũng đã kinh nghiệm sự bỏ rơi của các anh em trong Dòng :

“Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần,

Bà con ruột thịt cũng đứng xa” (Tv37, 12)

Nỗi sầu riêng mong người chia sớt,

Luống công chờ không được một ai,

Đợi người an ủi đôi lời.

Trông mãi, trông hoài mà chẳng thấy ai” (Tv 68,21).

Điểm nổi bật thứ hai trong Bộ Kinh Thương Khó : Thánh Phanxicô đã không giữ lại một lời nguyền rủa nào, thay vào đó Ngài nói như sau :

“Con thương nó, nhưng nó lại vu oan,

Phần con, con chỉ biết cầu nguyện” ( Tv 108, 4).

Cuối cùng điểm đồng cảm nhất trong Bộ Kinh Thương Khó chính là lời cầu khẩn Chúa Cha – một lời cầu khẩn đầy tin tưởng, trìu mến mà Thánh Phanxicô không ngừng lặp đi lặp lại :

Con kêu lên Chúa Tối cao

Chúa ban ân phúc dồi dào cho con

Người là thân phụ con

Là Vua và là Chúa Trời con” (BKTK Tv II, 11-12).

Phục sinh

Một ngày kia bão tố lắng xuống trong tâm hồn Thánh Phanxicô. Ngài hiểu rằng Thiên Chúa chờ đợi Ngài trao nộp vận mệnh của Dòng trong tay Thiên Chúa, với một tâm hồn nghèo khó trọn vẹn. Và Thánh Phanxicô chấp nhận trao nộp công trình của Ngài vào tay Thiên Chúa. Ngài trút bỏ mọi lo âu cho Thiên Chúa. Tương lai của Dòng không thuộc về Ngài nhưng thuộc về Thiên Chúa. Ở mức độ từ bỏ này, Thánh Phanxicô đã học cho biết từ chối chiếm hữu bất cứ điều gì ngay cả tình yêu. Vào thời điểm này, sự nghèo khó lại rạng sáng như một ngôi sao lớn trong tâm hồn Thánh Phanxicô. Bình an tràn ngập tâm hồn Ngài. Với bình an Ngài lại cất tiếng ca hát; một bài ca chiến thắng, một bài ca tràn đầy ánh sáng.

Và cùng với Đức Kitô, Thánh Phanxicô đã có thể cầu nguyện cùng Chúa Cha :

“Trong bụi tro cõi chết, chúng đã xô tôi vào …

Tôi thiếp ngủ, rồi tôi trỗi dậy

Và Cha tôi, Đấng chí thánh,

Đã đón nhận tôi vào chốn vinh quang …

Lạy Cha chí thánh

Người đã nắm lấy tay con

Và dẫn con đi theo thánh ý Người

Rồi Người đưa con lên chốn vinh quang”

(BKTK Tv VI, 10-12)

Có Đức Kitô là có đủ mọi sự cho tôi …

Không một bản văn nào có thể cho ta biết đầy đủ về sự chiêm niệm của Thánh Phanxicô cho bằng lời cầu nguyện kết thúc bản luật 1221. Là một trong các bản văn hay nhất, phong phú và đầy hứng khí nhất, lời cầu nguyện được dâng lên Chúa Cha nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần như một lời ngợi khen Thiên Chúa, trong toàn bộ ý định của Thiên Chúa về số phận của thế giới cũng như của mọi vật trên trời dưới đất :

“Lạy Thiên Chúa toàn năng, chí thánh, cao cả,

là Chúa Cha thánh thiện và công minh,

là Đức Vua Chúa tể trời đất

Chúng con xin dâng lời cảm tạ

chỉ vì Cha mà thôi.

Vì lý do bởi thánh ý Cha và nhờ Thánh Tử duy nhất

cùng với Thánh Thần,

Cha đã dựng nên muôn vật hữu hình và vô hình,

và đã dựng nên chúng con theo hình ảnh và giống như Cha

rồi cho ở trong vườn địa đàng.

Nhưng chúng con đã sa ngã vì đã phạm tội.

Chúng con xin dâng lời cảm tạ

Vì cũng như Cha đã dựng nên chúng con nhờ Con Cha

thì Cha cũng yêu thưong chúng con bằng một tình yêu thánh thiện

Cha đã cho Người ra đời :

Người là Thiên Chúa thật và là người thật …

Chúng con xin dâng lời cảm tạ,

Vì Thánh tử sẽ đến ngự trong vinh quang,

Người sẽ xua đuổi vào lửa muôn đời những kẻ bị chúc dữ, xưa kia đã không hoán cải và không tin nhận Cha

Người cũng sẽ nói với tất cả những ai đã nhận biết tôn thờ và phụng sự Cha trong đời sống hoán cải :

“Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc mà Cha Ta đã dọn sẵn cho các con từ thuở tạo thành thế giới”

Vì tất cả chúng con đều khốn nạn và tội lỗi, không đáng kêu cầu Danh Cha.

Nên chúng con tha thiết nài xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con là “Con yêu dấu của Cha, Đấng làm vui lòng Cha hết mực để Người cùng với Chúa Thánh Thần, Đấng bảo trợ cảm tạ Cha về tất cả mọi sự hợp theo ý của Cha và của Người

Vì Người hằng làm toại lòng Cha trong mọi sự và nhờ Người, Cha làm bao việc cho chúng con.

Halêluia.”

(L Ksd 23. 1-5)

Đây là phần đầu của lời ngợi khen Thánh Phanxicô dâng lên Thiên Chúa. Đối tượng của lời ngợi khen chính là Thiên Chúa : “Chúng con xin dâng lời cảm tạ, chỉ vì Cha mà thôi.” Thiên Chúa ở đây là Thiên Chúa mặc khải chính mình trong công cuộc tạo dựng muôn loài, muôn vật và đặc biệt trong việc dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa.

Vắn tắt nhắc lại sự sa ngã của con người cốt là để tiếp tục triển khai lời ngợi khen. Chương trình của Thiên Chúa không ngừng lại ở một thất bại : tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi. Thánh Phanxicô ngợi khen Thiên Chúa vì Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người. Tình yêu đã dựng nên con người thì cũng Tình yêu ấy đã cứu độ con người nhờ Ngôi Lời nhập thể.

Cuối cùng , đi trước thời gian, Thánh Phanxicô ngợi khen Thiên Chúa vì Đức Kitô sẽ vinh quang ngự đến và sẽ dứt khoát quyết định số phận của thế giới và của nhân loại bằng cách dẫn đưa những người đã đã đón nhận và đi theo Người vào dự tiệc Nước Trời.

Tới mức độ này, ngắm nhìn những việc lớn Thiên Chúa đã làm cho ta và ngắm nhìn Thiên Chúa trong các kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện, Thánh Phanxicô như bị choáng váng. Ý thức được tất cả những gì phân cách Ngài với Thiên Chúa, Ngài cảm thấy không xứng đáng kêu cầu Danh Thiên Chúa. Vì thế Thánh Phanxicô cầu xin cùng Chúa Cha : “Chúng con tha thiết nài xin Đức Giêsu Kitô … cảm tạ Cha về tất cả mọi sự”.

Trong lời ngợi khen của Thánh Phanxicô, lời cầu xin này cho ta thấy tương quan giữa Ngài và Thiên Chúa cũng như ý thức sâu sắc của Ngài về sự nghèo khó. Ta có thể xem Thánh Phanxicô như con người đã bắt chước Đức Kitô cách hoàn hảo nhất như người môn đệ đã phấn đấu đi theo Thầy mình cách sát nhất. Nhưng một cái nhìn như vậy chỉ dừng lại nơi cái bề ngoài của kinh nghiệm sống Tin Mừng mà Thánh Phanxicô đã sống. Trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Kitô , Thánh Phanxicô khám phá ra sự nghèo hèn cùng cực của mình. Ngài từ chối tranh đua với Thiên Chúa. Ngài chấp nhận thua cuộc. Ngài chỉ là một người tội lỗi, nghèo khó và chỉ được cứu độ nhờ ân sủng Thiên Chúa ban nhưng không.

Thay vì làm Ngài phải buồn phiền, sự nghèo khó này làm Thánh Phanxicô vui mừng. Ngài trở thành người hành khất của Thiên Chúa. Vì Đức Kitô – chỉ một mình Đức Kitô – là tất cả cho Chúa Cha, nên Đức Kitô trở thành sự phong phú và ơn cứu độ cho ta. Ta không đáng kêu cầu Danh Thiên Chúa và yêu mến Thiên Chúa. Nhưng ta có thể dâng lên Thiên Chúa tình yêu duy nhất xứng với Thiên Chúa và các ân huệ Thiên Chúa ban : đó là Tình yêu mà Con Một yêu dấu đã tỏ bày cùng Chúa Cha nhân danh tất cả chúng ta. Đây chính là bí quyết của sự bình an và niềm vui của Thánh Phanxicô.

Sự bình an và niềm vui này Thánh Phanxicô đã diễn tả vắn tắt bằng một từ : “Haleluia”. Và thật đúng như vậy : “Haleluia”. Cùng toàn thể chư thánh từ xưa đến nay và sau này nữa. Và trước hết cùng với “Mẹ Maria vinh hiển”.







BÀI CA ANH MẶT TRỜI

Mùa thu năm 1225 – một năm trước ngày Ngài qua đời – Thánh Phanxicô biết mình lâm bệnh nặng. Ánh sáng mặt trời làm đôi mắt Ngài nhức nhối. Để làm vơi đi nỗi đau, Ngài sáng tác bài ca vui tươi nhất : đó là “bài ca ANH MẶT TRỜI” hay còn gọi là “Bài ca Các Tạo Vật”.

Trước hết bài ca này là một cố gắng của con người muốn vươn lên “Thiên Chúa tối cao”. Một cố gắng vươn lên mà hình như phải tiêu biến thành thờ phượng và thinh lặng trước Đấng mà không một ai xứng đáng gọi Thanh Danh. Vì thế, Thánh Phanxicô khiêm tốn đặt mình vào hàng các tạo vật, kết thân với các tạo vật và bắt đầu ngợi khen Thiên Chúa. Ngài ngợi khen Thiên Chúa cách tuyệt vời đến nỗi lời ngợi khen của Ngài trở thành lời ngợi khen của các Tạo vật.

Thật vậy, các tạo vật không chỉ là cái cớ để con người ngợi khen Thiên Chúa. Thánh Phanxicô nhận thấy rằng các tạo vật đều đẹp, rất đẹp. Tính từ “đẹp” được dùng 3 lần trong bài ca và mỗi lần để chỉ một tạo vật có sức tỏa sáng. Nhưng Thánh Phanxicô không chỉ ca ngợi các tạo vật này. các tạo vật nghèo hèn nhất, tối tăm nhất – như Mẹ Đất – cũng làm Ngài say mê. Điều tốt hơn cả là ta hãy nghe Thánh Phanxicô :

“Lạy Thiên Chúa tối cao

Toàn năng và tốt lành

Mọi vinh quang và danh dự

Lời chúc tụng và ngợi khen

Đều thuộc về Người,

Và xứng hợp cho riêng mình Người.

Ôi Đấng tối cao

Không một ai xứng đáng gọi Danh Người.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi

Với muôn loài tạo vật

Đặc biệt nhất Ông Anh Mặt Trời

Anh là ánh sáng ban ngày,

Nhờ Anh, Ngài soi chiếu chúng tôi.

Anh đẹp và tỏa sáng rạng ngời

Anh tượng trưng Ngài, ôi Đấng tối cao.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi

Vì Chị Trăng và muôn sao

Chúa tạo dựng trên nền trời

Lung linh, cao quí và diễm lệ.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi

Vì Anh Gió, Không Khí và Mây Trời

Cảnh thanh quang và bát tiết tứ thời,

Nhờ Anh, Chúa bảo tồn muôn vật

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi

Vì Chị Nước

Thật lợi ích và khiêm nhu,

Quí hóa và trinh trong.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi

Vì Anh Lửa

Nhờ Anh, Chúa sáng soi đêm,

Anh đẹp và vui tươi,

Hùng tráng và mạnh mẽ.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi

Vì Chị chúng tôi là Mẹ Đất,

Chị đỡ nâng, Chị dìu dắt

Chị sinh ra bao thứ trái

Hoa muôn màu giữa ngàn cỏ dại.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi

Vì những người biết tha thứ

Nhân danh tình yêu Chúa

Chịu bệnh tật ưu phiền

Phúc cho ai chấp nhận trong an hòa

Vì lạy Chúa tối cao

Ngài sẽ tặng triều thiên

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi

Vì Chị Chết đang đợi chờ thân xác

Không ai sống trên đời hòng thoát nổi.

Bất hạnh người khi lâm chung

Hồn còn mang tội trọng

Phúc thay người trong giờ Chị tới

Thánh ý Ngài một mực tuân theo

Chết thứ hai không làm hại được.

Hãy ngợi khen và chúc tụng Chúa tôi,

Hãy tạ ơn và phụng sự Người

Với trọn lòng khiêm hạ.”

Bài ca Các Tạo Vật bày tỏ sự thán phục của con người trước công trình của Đấng Tạo Hóa. Điểm nổi bật trong lời ngợi khen này là con người chấp nhận kết thân với tạo vật – một sự kết thân không gì phân cách được với Mẹ Đất. Kinh ngạc, thán phục, con người chấp nhận thân phận làm “con-người-hiện-hữu-giữa-lòng-thế-giới”.

Bài ca của con người hòa giải

Một lời ngợi khen như thế biểu lộ sự hòa giải sâu xa giữa con người và các yếu tố tạo thành vũ trụ, cũng như sức mạnh mờ ám đang thúc đẩy con người từ bên trong và tạo thành bản thể nguyên thủy của con người. Trong khi con người thời đại ngày nay đang phấn đấu giải phóng mình ra khỏi thiên nhiên bằng cách làm chủ và thống trị thiên nhiên thì Thánh Phanxicô lại hòa giải mình với thiên nhiên. Người ta chỉ thực sự giải phóng mình bằng cách hòa giải.

Bài ca Các Tạo Vật là bài ca tán dương Đấng Tạo Hóa, vì đây chính là bài ca của công cuộc tạo dựng mới khi các sức mạnh nguyên thủy và mờ ám của sự sống tìm được sự trinh trong của nước nguồn và vẻ huy hoàng của ánh sáng mặt trời.

Một sự hòa giải như thế chỉ có thể thực hiện được khi con người từ chối chiếm hữu : “nhờ ngọn lửa Thánh Linh thanh luyện, soi sáng và nung nấu tận tâm can”. Thánh Phanxicô từ chối chiếm hữu thế giới, đưa thế giới về với mình, và nhờ vậy Ngài rộng mở lòng mình đón nhận tình yêu của Đấng Tạo Hóa qua các tạo vật. Ngài nhập cuộc vào tiến trình tạo dựng của Tình yêu. Và thế giới trở thành một thực tại rạng ngời, trong đó con người được kêu gọi không chỉ sống mà còn cộng tác với Tình yêu và xây dựng hợp nhất.

Vì thế ta không ngạc nhiên khi thấy Thánh Phanxicô đã muốn bổ sung Bài ca Các Tạo Vật bằng cách thêm vào lời ca ngợi : lời ca ngợi con người biết tha thứ và xây dựng bình an :

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi

Vì những người biết tha thứ

Nhân danh tình yêu Chúa

Chịu bệnh tật ưu phiền

Phúc cho ai chấp nhận trong an hòa

Vì lạy Chúa tối cao

Ngài sẽ tặng triều thiên

Khi giờ chết đến, Thánh Phanxicô sáng tác thêm đoạn cuối cùng :

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi

Vì Chị Chết đang đợi chờ thân xác

Không ai sống trên đời hòng thoát nổi.

Bất hạnh người khi lâm chung

Hồn còn mang tội trọng

Phúc thay người trong giờ Chị tới

Thánh ý Ngài một mực tuân theo

Chết thứ hai không làm hại được.

Cần phải là một con người có tâm hồn thật thanh thản mới có thể đón nhận sự chết như người Chị. Nhưng ca ngợi Chị Chết trong khi ca ngợi Anh Mặt Trời điều làm ta ngạc nhiên hơn nhiều. Trong giờ phút cuối đời Ông Anh Mặt Trời và Bà Chị Chết không còn là hai đối thủ trong lòng Thánh Phanxicô. Không những bóng tối tử thần không dập tắt ánh sáng chiếu soi trần thế mà còn tự biến thành con đường tràn ngập ánh sáng dẫn tới sự viên mãn.

Về Đầu Trang Go down
https://phanxico.forumvi.com
 
THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI MỘT BẬC THẦY DẠY CẦU NGUYỆN
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Gia Đình Phan Sinh :: Thư Viện Dòng :: E-Books-
Chuyển đến